Chatbot mới có khả năng phát hiện nguy cơ tấn công mạng trước khi chúng xảy ra
Trong bối cảnh các vụ tấn công mạng ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường, một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Georgia và Đại học Quận Columbia (UDC) đã phát triển một chatbot AI đột phá, hứa hẹn sẽ là lá chắn vững chắc cho an ninh mạng.
Công cụ AI mới này hoạt động dựa trên việc phân tích mạng xã hội để nhận diện những dấu hiệu tiềm ẩn của các cuộc tấn công mạng. Bằng cách khai thác sức mạnh của phân tích cảm xúc (sentiment analysis), chatbot có thể đánh giá cảm xúc, thái độ và tâm trạng của người dùng trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến như X (trước đây là Twitter), từ đó phát hiện ra các mối đe dọa tiềm ẩn.
Nghiên cứu được thực hiện bởi Giáo sư John McIntyre từ trường Kinh doanh Scheller của Đại học Công nghệ Georgia cùng với các cộng sự là Phó Giáo sư Amit Arora và Anshu Arora từ UDC. Nhóm đã triển khai chatbot tương tác với 100.000 người dùng Twitter trong khoảng thời gian ba tháng. Chatbot tự động đăng tải thông tin về các sự kiện thời sự, ngày lễ hoặc tin tức về tấn công mạng để thu hút sự chú ý và phản hồi từ người dùng. Dữ án tập trung phân tích cảm xúc dựa trên những phản hồi này, nhằm tìm ra những dấu hiệu bất thường.
Việc ứng dụng phân tích cảm xúc trong chatbot không phải là điều mới mẻ. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp trên toàn cầu đã và đang sử dụng chatbot để đánh giá phản ứng của khách hàng đối với thương hiệu và sản phẩm. Trong đại dịch COVID-19, chatbot cũng được chính phủ và các tổ chức y tế triển khai để nắm bắt thái độ của công chúng đối với vắc-xin, biện pháp phòng ngừa và việc đeo khẩu trang.
Tuy nhiên, việc nhận diện các mối đe dọa an ninh mạng thông qua chatbot lại là một ứng dụng độc đáo và phức tạp hơn rất nhiều. “Phân tích cảm xúc trong lĩnh vực an ninh mạng đòi hỏi chatbot phải có khả năng nhận diện những hacker tiềm ẩn", Giáo sư McIntyre, đồng thời là Giám đốc điều hành Trung tâm Giáo dục và Nghiên cứu Kinh doanh Quốc tế, cho biết. "Việc này rất khó khăn, nhưng các mô hình dự đoán có thể được xây dựng để hỗ trợ chatbot thực hiện nhiệm vụ này."
Theo giáo sư McIntyre, AI có thể nhắm mục tiêu vào một nhóm đối tượng cụ thể để phân tích biểu hiện của họ về sự đồng tình, phản đối, hoặc thậm chí là ý định gây hại, tấn công hoặc lạm dụng công nghệ. Mặc dù nghiên cứu này mới chỉ là bước khởi đầu, nhưng nó mở ra một hướng đi đầy tiềm năng cho việc ngăn chặn các mối đe dọa an ninh mạng trong tương lai.
Nhóm nghiên cứu tin rằng chatbot an ninh mạng có thể được mở rộng để phân tích cảm xúc trong nhiều ngôn ngữ khác nhau và trên nhiều nền tảng mạng xã hội khác. “Trong bối cảnh công nghệ truyền thông và mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến, số lượng các mối đe dọa an ninh mạng cũng theo đó mà gia tăng", ông nói. "Vì vậy, việc trang bị cho mình những công cụ hiệu quả để đối phó với chúng là vô cùng cần thiết.”
Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Sustainability.

0 comments Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét